THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” 10/8
05/09/2021 12:00:00

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những gì nó để lại sẽ là vết thương còn mãi trong tâm trí cũng như trên thân thể của người dân Việt Nam. Đã 60 năm trôi qua từ ngày Mỹ thực hiện chiến tranh hóa học ở Việt Nam (10/8/1961), nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy - phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam trong 10 năm trời.

Để chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cũng để thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chung tay đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, ngày 25/06/2004 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, Đảng và nhà nước ta đã phát động nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực để vận động toàn xã hội cùng chung tay, giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin để cùng họ chia sẻ nỗi đau to lớn ấy, để họ thấy bản thân mình không bị cô đơn trong xã hội.

Thảm họa chất độc hóa học

Trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học (CĐHH) phun rải xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ nạn nhân CĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói: " Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC

Để khắc phục những hậu quả do chiến tranh gây ra, nhất là đòi lại công bằng và hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin; từ năm 1980 đến nay, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản và chính sách để đấu tranh đòi lại công lý cũng như khắc phục hậu quả CĐHH, hỗ trợ đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐHH. Bên cạnh đó, cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vào ngày 10 tháng 1 năm 2004 nhằm "giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài". Một trong những việc làm đầu tiên của Hội là lập dự án "Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống", đồng thời "tổ chức thu thập hồ sơ chứng cứ tiến hành khiếu kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh".

Hằng năm, Hội NNCĐDC /dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp NNCĐDC làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, Ngày Vì NNCĐDC (10/8) hằng năm..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội... Cùng với đó, mỗi năm Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC.

Những năm qua, ngày 10/8 đã thực sự trở thành ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” với nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực và hiệu quả. Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Khẩu hiệu tuyên truyền:

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”

2. Tích cực tham gia hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

3. Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại!

4. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam!

5. Ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam!

6. Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam!

Nguồn: Văn hóa – Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỨC CHÍNH - HUYỆN CẨM GIÀNG

Trưởng Ban Biên tập: Trần Văn Tưởng

Địa chỉ: Chủ tịch UBND xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 02203 780 105

Email: tranvantuong@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 2
Tất cả: 53,456