Căn cứ Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”;
Căn cứ các Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường: số 2743/BTNMT-TCMT ngày 21/5/2021 về việc tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid - 19; số 4119/BTNMT-TCMT ngày 23/7/2021 về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19;
Căn cứ Công văn số 439/MT-YT ngày 03/8/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế về việc xử lý chất thải khu vực phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19;
Căn cứ Thông báo số 3292/TB-UBND ngày 08/9/2021 của UBND tỉnh về quản lý, xử lý chất thải y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19;
Thực hiện Hướng dẫn số 3636/HD-SYT ngày 13/11/2021 của Sở Y tế Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần với ca bênh (F1) và Hướng dẫn số 4320/HD-SYT ngày 30/12/2021 của Sở Y tế Hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà, nơi cư trú và Hướng dẫn số 05/HD-STNMT ngày 10/01/2021 về việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong thời gian cách ly tại nhà, nơi cư trú cho bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) và người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1).
UBND huyện hướng dẫn một số nội dung trong việc quản lý, xử lý chất thải phát sinh trong thời gian cách ly tại nhà, nơi cư trú cho bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) và người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) phù hợp với điều kiện của huyện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
- Hạn chế sự lây lan, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
- Giúp đối tượng áp dụng thực hiện đúng quy trình quản lý chất thải nguy hại tại nơi phát sinh theo quy định.
II. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN
- Đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19.
- Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người chăm sóc người bệnh, người tham gia quản lý chất thải y tế và các đối tượng liên quan trong phòng, chống dịch COVID-19.
- Tất cả những người tham gia quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
- Cung cấp đầy đủ dụng cụ, phương tiện để thu gom rác thải cho người mắc COVID-19 hoặc nghi mắc COVID-19 (thùng rác có lắp, túi nilon hoặc dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS- COV-2”)
III. HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CHẤT THẢI PHÁT SINH ĐỐI VỚI CÁCH LY, ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ, NƠI LƯU TRÚ
1. Dung dịch khử khuẩn
- Trạm y tế, trạm y tế lưu động phát túi đựng 500g CloraminB kèm theo túi thuốc và hướng dẫn người bệnh cách pha dung dịch CloraminB 0,5%, cách phân lọa chất thải và vệ sinh khử khuẩn.
- Cách pha CloraminB 0,5%:
+ Tỷ lệ: Bột CloraminB 25%: 5 muỗng cà phê bột + 01 lít nước.
+ Dung dịch đã pha chỉ có hiệu quả sử dụng trong 24 giờ.
2. Về xử lý nước thải phát sinh.
Cụ thể nước thải phát sinh từ nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm, giặt giũ quần áo, nước rửa vệ sinh cá nhân:
- Kiểm tra đường thoát nước thải của gia đình, đảm bảo đường dẫn nước thải có nắp che đậy kín; toàn bộ nước thải của gia đình phải được thu vào hố ga (nếu không có hố ga cần bố trí ngay 01 hố ga tạm thời hoặc có thể sử dụng thùng nhựa, can nhựa) để khử trùng, khử khuẩn trước khi thoát, thải nước thải ra môi trường.
- Thực hiện khử trùng, khử khuẩn nước thải tại rãnh thoát, hố ga, điểm xả nước thải ra môi trường bằng vôi bột, hóa chất khử trùng với tần suất tối thiểu 02 lần/ngày vào các thời gian tắm rửa, vệ sinh cá nhân của người cách ly.
3. Về việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phát sinh.
3.1. Chuẩn bị túi nilon, thùng chứa rác thải
+ Túi nilon phải đảm bảo không bị thủng, rách và có nhiều kích thước khác nhau phù hợp cho việc chứa từng loại chất thải; thùng chứa phải đảm bảo kín, có nắp đậy khít, không thấm nước, không dễ vỡ, chịu va đập, ít bám bụi bẩn, dễ vệ sinh trong ngoài, tiện lợi cho việc bỏ rác thải vào trong và lấy rác thải đưa đi xử lý, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS - CoV-2” (nên sử dụng thùng chứa rác thải chuyên dụng, thùng bằng nhựa dày, bền chắc).
+ Trong phòng cách ly có thùng đựng chất thải, có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi nilon để đựng chất thải gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, rác thải sinh hoạt. Trước khi mang rác sinh hoạt của người cách ly ra ngoài thì phải được khử khuẩn bên ngoài túi, để nơi quy định.
Dung tích thùng chứa rác thải: tùy vào số lượng người cách ly y tế tại nhà mà chuẩn bị các thùng chứa rác thải có dung tích phù hợp:
+ Nếu chỉ có 1 người x 1,0 kg/người/ngày x 21 ngày = 21 kg. Nên sử dụng thùng chứa có dung tích khoảng 60 lít.
+ Tương tự nếu có 2 người, 3 người, 4 người thì nên sử dụng loại thùng chứa có dung tích khoảng 120 lít, 180 lít, 240 lít.
3.2. Thu gom và xử lý
+ Chất thải phát sinh từ phòng cách ly tại nhà, nơi cư trú, như: khẩu trang, khăn giấy lau mũi miệng, găng tay, các đồ dùng 1 lần,... thải bỏ của người cách ly phải bỏ vào túi nilon– xịt cồn 70 độ để khử trùng – buộc chặt miệng túi – rồi bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi nilon, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người cách ly.
+ Trong quá trình thu gom phải đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng túi và tiếp tục để vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2 có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS- COV-2”, buộc kín miệng túi. Sau mỗi lần thu gom phải phun khử khuẩn thùng chứa chất thải và vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ bằng dung dịch CloraminB.
+ Trong thời gian cách ly phải khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn. Phải phun khử trùng toàn bộ trang thiết bị, vật dụng trong phòng cách ly theo quy định và thu gom tất cả các loại chất thải từ phòng cách ly của người mắc COVID-19 hoặc nghi mắc COVID-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm.
+ Hết thời gian cách ly, nếu người cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS - CoV- 2 thì thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.
+ UBND xã, thị trấn căn cứ vào tình hình dịch bệnh, số lượng người cách ly, điều trị tại nhà, nơi cư trú lên phương án bố trí các địa điểm tập trung chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 cho phù hợp để việc thu gom, vận chuyển mang đi xử lý được thuận tiện.
Lưu ý:
- Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tối thiểu 02 lần/ngày tại các vị trí: sàn nhà, sàn khu vực vệ sinh và bề mặt thường xuyên tiếp xúc: bàn ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, thùng chứa rác thải, bồn cầu, lavabo, vòi nước,...
- Phải làm sạch bề mặt đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử khuẩn. Người chăm sóc trẻ phải được hướng dẫn thực hiện và đeo khẩu trang, găng tay khi thực hiện làm sạch khử khuẩn bề mặt môi trường.
- Dung dịch làm sạch và khử trùng bằng chất tẩy rửa thông thường và cồn 70 độ. Thường xuyên sử dụng cồn 70 độ để lau các bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tác đèn, điều khiển ti vi, điện thoại. Trước khi lau, tắt nguồn điện.
- Với đồ dùng, quần áo của người cách ly, giặt riêng quần áo của người cách ly, tốt nhất là giặt ngay trong phòng. Trước khi giặt, người giặt phải ngâm vải quần áo với xà phòng tối thiểu 20 phút và phơi quần áo tại nơi riêng.
Trên đây là Hướng dẫn về việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong thời gian cách ly tại nhà, nơi cư trú cho bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) và người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) trên địa bàn./.
Tin : Ban chỉ đạo PCD Covid-19